NHỮNG KHÁM PHÁ ĐẦU TIÊN

Ngày 21 tháng 6 năm 1893, bác sĩ Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên đã linh cảm được tương lai vùng này. Cuối năm 1897, ông đã góp ý kiến cho toàn quyền Paul-Doumer về việc thiết lập một trung tâm dưỡng sức cho công chức Pháp tại đây. Đà Lạt đã được khai sinh từ đó.

Danh từ Dalat được giải thích qua hai giã thuyết:

  • Giã thuyết thứ nhất: Da lat có hai câu thơ hồi văn bằng tiếng La-Tin: “Dat aliis laotitiam, aliis temperiem” có nghĩa là “cho người này niềm vui, cho người (kẻ) khác sức khỏe” ghép các chữ đầu của hai câu thơ hồi văn;

  • Giã thuyết thứ hai: Đa là ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số cũng có nghĩa là nước, suối, sông … Lat là tên một bộ tộc thiểu số sống ở đây.

Theo giã thuyết thứ nhì này, Đalat có nghĩ là suối của người Lat, hay là xứ của người Lat, nếu hiểu Đa là nước hay quốc gia.

Dòng suối Da Lat mang tên là Cam Ly ngày nay.

Ý kiến thành lập một trung tâm dưỡng sức trên cao nguyên Lâm Viên đã được Toàn quyền Doumer nhiệt liệt tán thành.

Tháng 10 năm 1897, Toàn quyền P.Doumer cử một phái đoàn quân sự dưới sự hướng dẫn của Đại úy pháo binhThouard và ông Cunhac, phụ tá trắc địa, với nhiệm vụ tìm kiếm và nghiên cứu những con đường xâm nhập dễ nhất vào cao nguyên.

Phái đoàn Thouard từ Sài Gòn cập bến Nha Trang vào cuối tháng 10 năm 1897 và bắt đầu công việc trinh sát ở thượng lưu sông Nha Trang. Sau một tháng khó khăn, cực nhọc để thiết lập những kết quả trắc địa trong một vùng núi chỉ có vài bộ lạc hiếu chiến, phái đoàn tới thung lũng sông Đa Nhim, mạng thượng Đơn Dương, ở một xứ của bộ lạc Loupah. Từ đó, phái đoàn men theo hữu ngạn thung lũng, đi dọc lên dòng DaTam, một chi lưu của sông Đa Nhim, tới thác Prenn và sau cùng đền vùng Đà Lạt.

Phái đoàn ngừng lại ít lâu trên bờ suối Cam Ly rồi lại cắm lều ở Đankia. Nơi đây chỉ có một bộ lạc khá quan trọng, khắp vùng còn lại đều vắng vẽ.

Công cuộc nghiên cứu của phái đoàn kết thúc tháng 9 năm 1898, kéo dài 11 tháng. Sau đó phái đoàn trở về Sài Gòn. Cuối năm 1898, Toàn quyền P.Doumer lại cử thêm một phái đoàn khác dưới quyền điều khiển của Đại úy kỵ binh Guynet. Ông Cunhac trong phái đoàn với tư cách thư ký riêng của Đại úy  Guynet và có trách nhiệm nghiên cứu, thiết lập một con đường mòn từ chân Trương Sơn đến cao nguyên Lâm Viên, một con đường cho xe đi được nhưng không trải đá, con đường này đi từ Phan Rang và hướng về phía Bắc tới tận chân Trường Sơn.

Ngoài ra cũng phải thiết lập một con đường mòn với độ dốc 8 độ đi từ chân Trường Sơn đến cao nguyên Lâm Viên. Đường mòn này bắt đầu từ làng Xom-Gom trên sông Phan Rang, ngang qua Bà Ban trên sông Pha (Krongpha). Từ đó lên dần tới Lâm Viên,sau khi ngang qua vùng Đơn Dương (Dran) và Trạm Hành (Arbre-Broyé).

Năm 1899, Toàn quyền P.Doumer đích thân lên quan sát tại chỗ và đã chấp nhận tức khắc những ngân quỹ cần thiết. Bắt đầu từ năm này, Đà Lạt dần dần hình thành.

QUY HOẠCH ĐÀ LẠT THEO THỜI GIAN

Họa đồ đô thị đầu tiên do KTS. Hébrard thiết lập (1923) và sau này vào năm 1942, một kiến trúc sư khác ông Lagisquet có sữa lại đôi chút họa đồ này nhưng vẫn giữ nguyên những nét chính.

Ðồ án quy hoạch của Hebrard với ý tưởng hình thành một chuỗi hồ nhân tạo trên dòng suối Cam Ly, với hồ chính là Hồ Lớn (tiền thân của hồ Xuân Hương ngày nay) kết hợp với sân Cù (golf) tạo thành một không gian xanh trung tâm, phân định rõ các khu chức năng gồm: các khu ở, khu hành chính, khu bệnh viện của người Pháp và người Việt…

Ðồ án chỉnh trang của Lagisquet chú trọng xây dựng cấu trúc đô thị theo mô hình thành phố vườn, tạo tầm nhìn cảnh quan về núi Lang Biang ở hướng Bắc, tạo không gian thoáng, rộng với các khu vực chức năng, có mật độ thưa, thấp tầng như: sân bay, công viên, khu du lịch và mở rộng Ðồi Cù như ngày nay; ngoài ra còn có các khu khách sạn, casino, bảo tàng dân tộc học, khu cư xá, biệt thự …

Các công trình xây dựng theo thời gian:

  • Năm 1915 xây dựng “Hotel du lac” bằng gỗ;
  • Năm 1916 khởi công xây cất khách sạn Palace;
  • Năm 1918 nhà máy điện được thiết lập;
  • Năm 1920 nhà máy nước bắt đầu hoạt động, con đường đi từ Phan Rang qua đèo Ngọan mục (Belle-Vue) đã tới Đà Lạt;
  • Năm 1926, trường trung học Yersin khởi công xây cất (hiện nay là Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt);
  • Năm 1931 xây cất nhà thờ lớn và được hoàn thành năm 1942;
  • Năm 1932 đường đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt ngang qua đèo Bảo Lộc được mở;
  • Năm 1933 đường sắt răng cưa bắt đầu thi công từ năm 1920 được hoàn thành;
  • Năm 1937 - 1939 nhiều khu biệt thự do những tư nhân cũng bắt đầu tạo dựng để bán hoặc cho thuê như:  những cư xá Chi Lăng (Saint-Benoit), cư xá Belle-Vue, cư xá khu Vạn Kiếp (Cité des Pisques);
  • Năm 1938 khánh thành nhà ga xe lửa;
  • Năm 1940 trường Sacré-Coeur bắt đầu xây cất, nay là trường Thăng Long.

Sau năm 1975, Ðà Lạt tiếp tục được xác định là Thành phố - Tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Ðồng mới. Ranh giới Ðà Lạt được mở rộng ra vùng ven, gồm khu vực Thái Phiên và các xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Tà Nung. Việc quy hoạch Ðà Lạt tuy được nhanh chóng triển khai và giữ nguyên tính chất du lịch nghỉ dưỡng, nhưng các đồ án quy hoạch của Trung ương (1977) và địa phương (1983) chưa đủ sức thuyết phục để được phê duyệt.

Đến năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 620/TTg ngày 27/10/1994 phê duyệt Quy hoạch tổng thể xây dựng Thành phố Ðà Lạt và Vùng phụ cận đến năm 2010 đã kết thúc gần 20 năm sau ngày giải phóng, trải qua quá trình phát triển đô thị và quản lý xây dựng thiếu định hướng quy hoạch chung.

Năm 2002, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Ðà Lạt và Vùng phụ cận đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 409/QÐ-TTg ngày 27/5/2002.

Năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 443/QĐ-UBND ngày 14/02/2011 Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020.

Và đến nay là Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (xem quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030).